Học thực tập hiệu quả bằng phương pháp… Giàn giáo?

Một buổi học phòng thí nghiệm

Nếu các bạn bốc đại một trong các em sinh viên năm nhất bất kỳ mới bước chân vào trường, khả năng cao có những em cả đời chưa bao giờ đi vào phòng thí nghiệm, thậm chí một hình ảnh cũng không. Thế nhưng, các em đó lại không biết rằng, 5 năm học Dược sắp tới sẽ là chuỗi ăn nằm dầm dề trong phòng thí nghiệm vì độ phủ sóng của các môn thực tập đi theo các em đến khi ra trường. Vậy để tránh tình trạng đổ vỡ dụng cụ, hay đơn thuần là biết mình đang làm cái gì trong phòng, chúng ta phải trang bị cho mình những kỹ năng gì đây? Theo Benjamin Keep, PhD của Stanford về learning science, có một phương pháp tên là Scaffolding có thể giúp chúng ta, nhưng nó yêu cầu có thêm… 1 người bạn.

Phương pháp Scaffolding là cái gì?

Theo từ điển Anh-Việt, Scaffolding nghĩa là… giàn giáo. Nghĩa đen là vậy nhưng giải giải thích theo đúng phương pháp thì đây là phương pháp học tập mô phỏng cách chúng ta xây nhà vì kiến thức sẽ được chia nhỏ ra thành từng phần và sinh viên sẽ tiếp cận bài học qua việc nắm rõ và thông hiểu từng phần nhỏ được chia ra và từ đó “bắc giàn giáo” lên bước tiếp theo (theo cách hiểu cá nhân). Thêm nữa, trong quá trình học theo phương pháp này chúng ta có cần thêm một người bạn cùng đồng hành để nhận xét, đánh giá từng bước làm và chỉ ra chỗ đúng sai, hướng dẫn lại cách làm và qua thời gian khi mình làm thành thạo thì ít trợ giúp hơn.

Một buổi học phòng thí nghiệm
Một buổi học phòng thí nghiệm

 

Đối với sinh viên Dược, theo quan điểm của mình thì chúng ta có thể áp dụng phương pháp ngắn gọn khi làm thực tập như sau:

  • Chia nhỏ từng phần trong bài thực tập

Nếu ai đã từng học thực tập đều biết rằng một bài thực tập phòng thí nghiệm rất là dày đặc lý thuyết và cực kỳ nhiều thao tác và điều này thật sự rất dễ làm các bạn sinh viên nản chí và dần dần không đuổi kịp các môn học phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý kỹ thì hầu hết các thao tác làm thí nghiệm của các môn đều giống nhau và mang tính lặp lại, ví dụ như thao tác gấp giấy lọc trải dài suốt 4 năm có mặt ở từng bước cơ bản trong các bộ môn Hóa dược, Dược liệu,.. Vậy điều này nghĩa là sao? Khi các bạn đọc bài hãy cố gắng chia nhỏ bài thực hành ra thành từng phần nhỏ, và cố gắng thông hiểu nó tường tận kỹ càng. Nếu có thao tác nào bạn chưa biết thì khả năng cao bộ môn sẽ up video hướng dẫn chi tiết lên sẵn hoặc Youtube luôn có sẵn các video cho bạn. Điều này vừa giúp bạn hiểu bài vừa giúp bạn ăn điểm vấn đáp vì các thầy cô hay hỏi thao tác lắm đó!

  • Luyện tập nhiều lần cùng một người bạn

Theo phương pháp Scaffolding, cách tốt nhất để tiến bộ trong thực hành là làm đi làm lại một quy trình rất nhiều lần cộng thêm sự phản hồi của một người giám sát (người bạn, thầy cô,…) chỉ ra những lỗi sai hay những tips nhỏ để cải thiện bước làm. Ví dụ với thao tác chấm sắc ký lớp mỏng, nếu như cuối giờ còn thời gian các bạn có thể “mua chuộc” bạn nào giỏi chấm sắc ký đứng cạnh mình và xem mình làm. Khi đã có người bạn bên cạnh, bạn cứ tiến hành thực hiện, lần 1 chấm xong nghe bạn phản hồi, lần 2 chấm lại nghe phản hồi đến khi nào khi bạn làm chuẩn không cần chỉnh và người bạn không thể nói gì nữa thì xin chúc mừng, bạn có thể gọi là đã thông thạo kỹ năng đó. Tuy nhiên, đường còn dài và còn nhiều kỹ năng nữa nên nên các bạn đừng vội mừng nhé, và hãy nhớ luyện tập, luyện tập, luyện tập chính là chìa khóa của sự thành công nha! 

Scaffolding (Giàn giáo) là một phương pháp khá mới mẻ nhưng hiệu quả cho bất kỳ bạn sinh viên Dược nào mới bước chân vào phòng thí nghiệm. Để biết được thêm nhiều phương pháp học Dược hay ho nữa các bạn có thể đón xem những bài blog tiếp theo trên Dược sĩ GenZ nha!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *