Khi note ý vào slide cũng là một nghệ thuật

note ý vào slide là một nghệ thuật

Là một sinh viên Dược chăm chỉ, chắc chắn bạn nào cũng có trong tay một công cụ ghi chép từ việc note vào giấy với công cụ chạy bằng cơm và sự trợ giúp của ipad, iphone,… Tất cả những công nghệ này chắc chắn được sử dụng vì một lý do mà ai trong chúng ta cũng đều đồng ý – không một sinh viên không thể nào nhớ nổi 100% lượng kiến thức trong 1 buổi học.

Cho dù có tập trung đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng mình không thể nào đuổi kịp khả năng “rap” kiến thức của thầy cô. Nhiều khi cố gắng ghi chú thông tin nào hay ho, chưa kịp hiểu thì thầy cô đã chuyển sang slide khác. Cay hơn nữa là cả bài mình đều ghi chép đầy đủ nhưng đến đoạn thầy cô lưu ý kiến thức quan trọng để đi thi thì tự nhiên rớt cây bút hay đứa bạn đưa cho miếng bánh tráng, báo hại mình phải chạy đôn chạy đáo hỏi có ai ghi lại đoạn thông tin đó. Người ta nói, note slide cũng là một nghệ thuật vì làm sao có thể theo kịp lời thầy cô dạy mà vẫn hiểu bài giảng là cả một vấn đề. Vậy, làm sao để sinh viên Dược có thể đạt được đỉnh cao của nghệ thuật này?

Đầu tiên, chúng ta phải hiểu được sự khác biệt của ghi chú và ghi chép.

Một buổi nghe giảng như thường lệ
Một buổi nghe giảng như thường lệ

Nếu bạn tìm ở bất kỳ từ điển tiếng Việt nào thì hai từ ghi chú và ghi chép cũng sẽ được diễn giải như sau:

  1. Ghi chép: hành động thu thập lại các thông tin quan trọng thông qua các hình thức khác nhau như: viết, đánh máy,…
  2. Ghi chú: hành động thuật lại thông tin thu thập theo cách diễn giải cá nhân.

Qua hai định nghĩa trên, chúng ta có thể thấy rõ sự khác nhau của hai hình thức nhận thức thông tin. Nhưng nó liên quan gì đến cái bài viết hôm nay cơ chứ?

Ở trên mình có nhắc đến việc note slide là một nghệ thuật vì (1) theo kịp kiến thức thầy cô(2) hiểu được nội dung bài giảng. Để việc note slide trở nên hiệu quả, chúng ta cần phải tối ưu hóa hai yếu tố đó, và đáp án nằm trong hai hình thức ghi thông  minh vừa đề cập trên.

(1) Theo kịp kiến thức thầy cô

Các bạn hãy lấy ra bất cứ thứ gì mình có thể ghi chép lại được, và thử xem mình ghi chép lại thông tin ở công cụ nào là NHANH NHẤT. Vì thầy cô đưa kiến thức rất nhiều và khó nên đa phần việc chính trong giảng đường của chúng ta là ghi chép lại thông tin nhằm đuổi kịp được và nắm giữ được nhiều lượng kiến thức nhất. Nếu chúng ta cố gắng hiểu, ghi chú trong bài giảng thì khả năng cao mình sẽ bị quá tải nhận thức (cognitive load) và ít lưu trữ lại được thông tin. Ngoài ra, hành động ghi chép giúp bộ não lưu trữ thông tin tốt hơn, có được cái nhìn tổng quát hơn về bài giảng ( vì nãy giờ mình gần như viết lại hết lời thầy cô giảng mà! ) nên nó sẽ rất có ích nếu thầy cô hỏi ôn lại kiến thức hoặc ôn thi sau này. Tuy nhiên, việc ghi chép cũng chỉ giúp chúng ta có được cái nhìn cơ bản về bài giảng, còn để đi sâu vào kiến thức, chúng ta cần phải ghi chú.

(2) Hiểu rõ nội dung bài giảng

Tua thời gian đến 5 tiếng sau, chúng ta đã đặt chân về đến nhà, tiết học hôm nay khá thuận lợi vì chúng ta đã ghi lại được gần như 100% lời thầy cô giảng (đúng rồi vì minh chỉ ghi thôi có nghĩ gì đâu). Nhưng trên slide của bạn bây giờ là một đống hổ lốn toàn là dữ liệu thô chưa được xử lý. Mặc dù đã lưu trữ rất nhiều thông tin, nhưng sức người có hạn và nếu bạn không tổng hợp lại thì khả năng cao bạn sẽ quên 90% bài giảng chỉ trong vòng chưa đầy 24h. Đây là lúc ghi chú xuất hiện. Ghi chú, như định nghĩa trên, chíng là việc chúng ta xử lý đống dữ liệu thô trên, biến nó thành một khái niệm mình có thể hiểu được. Có rất nhiều cách để xử lý, tuy nhiên nó sẽ là một bài viết hay trong tương lai. Điều quan trọng là chúng ta đã tối ưu hóa được việc note slide thông qua hai hình thức ghi lại.

Vậy ghi chú thế nào là hiệu quả? Có những cách ghi chú nào? Các câu hỏi này sẽ được trả lời trên những blog tiếp theo của Dược sĩ GenZ, các bạn nhớ đón đọc nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *