Cách đánh đề trắc nghiệm bằng… một cái thang?

Thang đo Bloom

Chúng ta bắt đầu blog với một câu hỏi “Các bạn học trắc nghiệm thế nào?” Nhiều bạn sẽ trả lời là học thuộc các đáp án năm trước, bạn sẽ bảo là học tủ một bài để đi thi còn mấy bài còn lại thì vạn sự tùy duyên. Điều này xuất phát từ một nghịch lý là lượng kiến thức khi học Dược là quá nhiều nhưng một câu hỏi trắc nghiệm lại khu trú trong một phần quá nhỏ của một cái slide nào đó mà không ai tưởng tượng nổi có thể ra. Nói thật, điều này cũng khiến đa số sinh viên nản lòng vì có những bạn đã cắm ngày đêm để học nhưng đi thi điểm trắc nghiệm lẹt tẹt vì không nhớ nổi cái thông tin như hạt cát dưới đáy biển đó. Vậy câu hỏi được đặt ra là “Làm thế nào để học trắc nghiệm hiệu quả?”

Một người thầy đáng kính trong khoa Dược đã từng nói với mình là thật ra tất cả các thầy cô đều được tập huấn học cách ra đề làm sao cho kiến thức thi sẽ đúng trọng tâm nhưng cũng khiến sinh viên phải suy nghĩ nhiều nhất. Vậy mình phải đặt tiếp một câu hỏi là “Vậy thầy cô ra đề như thế nào?” Đây chính là câu hỏi mà mình đã tìm kiếm 2 năm qua, cho đến một ngày mình đã tìm được một cái thang (không phải cái thang thật), tên gọi là: Thang đo Bloom.

Thang đo Bloom được xem là một công cụ nền tảng để phân loại các mục tiêu và kỹ năng khác nhau mà các nhà giáo dục đặt ra cho học sinh của họ (mục tiêu học tập). Thang đo này được đề xuất vào năm 1956 bởi Benjamin Bloom, một nhà tâm lý học giáo dục tại Đại học Chicago (University of Chicago). Từ hình ảnh, chúng ta có thể định hình được nội dung học tập mà thầy cô muốn truyền tải là gì thông qua 6 cấp độ trên:

Thang đo Bloom
Thang đo Bloom

1. Ghi nhớ (Remembering)

Ghi nhớ là khả năng khôi phục, ghi nhận và nhớ lại kiến ​​thức có liên quan. Hay nói cách khác, chúng ta có thể nhắc lại các thông tin, kiến thức đã học.

2. Hiểu (Understanding)

Hiểu là khả năng diễn đạt ý nghĩa của thông điệp bằng miệng, văn bản hay hình ảnh. Hiểu không chỉ đơn thuần là nhắc lại một thông điệp nào đó mà  chúng ta cần thể hiện sự hiểu biết của mình thông qua diễn giải, nêu gương, phân loại, tóm tắt, suy luận, so sánh và giải thích.

3. Áp dụng (Applying)

Áp dụng là khả năng vận dụng các thông tin, kiến thức đã học vào một tình huống, thí nghiệm nào đó.

4. Phân tích (Analyzing)

Phân tích là khả năng chia thông tin, kiến thức thành các phần nhỏ, sau đó xác định cách các phần nhỏ đó liên quan với nhau và với một cấu trúc hoặc mục đích tổng thể.

5. Đánh giá (Evaluating)

Đánh giá là dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn thông qua việc kiểm tra và phê bình để đưa ra một phán quyết, nhận định về một vấn đề.

6. Sáng tạo (Creating)

Đây là cấp độ cao nhất của thang đo Bloom. Sáng tạo là khả năng ghép các kiến thức, thông tin đã có lại với nhau để tạo thành một cấu trúc hay định lý mới. Tuy nhiên mình thấy cấp độ này chủ yếu cho nghiên cứu khoa học là nhiều nên tạm chưa bàn ở đây.

Nghe lý thuyết dài dòng như vậy, thế giờ nếu áp dụng chúng ta sẽ áp dụng làm sao? Đó sẽ là phần 2 của blog này sẽ có mặt vào thứ 7 tuần sau 6/4 trên Dược sĩ Gen Z, các bạn hãy đón đọc nhé!

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *