Công nghiệp Dược: Góc nhìn của một Dược Sĩ GenZ

Công nghiệp Dược: Góc nhìn của một Dược Sĩ GenZ

Một môn học đòi hỏi nhiều sự tập trung nhất trong chương trình học tại UMP đối với Thúy Quỳnh xin phép được gọi tên Công nghiệp Dược. Đây cũng là môn học được nhiều thế hệ sinh viên “nhung nhớ” nhất năm 4. Vậy thì Công nghiệp Dược có công năng gì mà lại gây ấn tượng với tụi mình đến như vậy. Bài viết này mình sẽ chia sẻ một số hiểu biết của mình dưới góc nhìn là một sinh viên Dược UMP về học phần tưởng “lạ mà quen, quen mà lạ” này nhé ^^

Công nghiệp Dược: Phiên bản “upscale” của Bào chế và Sinh Dược học?

Hừm, vậy tại sao lại là phiên bản “upscale”? Vì để mà tóm gọn lại Công nghiệp Dược lại trong vài chữ, thì mình sẽ chọn “quá trình” và “công nghệ bào chế”. Nghe tới đây là nhận ra có gì đó quen thuộc rồi hen.

Trước đây khi học Bào chế và Sinh dược học, tụi mình được học về các dược chất, tá dược và phương pháp bào chế các dạng thuốc. Các kỹ thuật, thao tác thực hành trên máy móc chủ yếu sẽ là ở quy mô phòng thí nghiệm. 

Vậy thì dạng bào chế thuốc đó trong nhà máy sẽ làm như thế nào? Công nghiệp Dược sẽ cho bạn cái nhìn mở rộng hơn khi áp dụng những kiến thức ấy trên quy mô lớn “công nghiệp”: Làm sao để vận hành một dây chuyền sản xuất? Rồi thì là làm thế nào để đảm bảo chất lượng? Hay thiết bị và nhân sự cần ở mỗi giai đoạn sản xuất là gì? 

Chính vì ở mỗi quy mô, điều kiện và mục đích khác nhau, sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi trong quy trình và thao tác thực hiện cho phù hợp. Nhiều bạn sẽ thắc mắc: Ủa sao hồi trước mình học môn kia là A trước B mà giờ học môn này lại là B trước A. Thì câu trả lời là ở đây luôn nè.  

Và nếu để ý kỹ một chút, môn học này cũng gắn liền với Thực hành Dược khoa hay Hóa lý dược mà chúng mình đã học qua nữa đó. Bạn hãy thử lục lại ký ức xem “phần đó” ráp vào đâu trong hệ thống kiến thức nhé!

Công nghiệp Dược - tưởng "lạ mà quen, quen mà lạ"
Công nghiệp Dược – tưởng “lạ mà quen, quen mà lạ”

Công nghiệp Dược có khó học hay không?

Công nghiệp Dược còn được mệnh danh là khắc tinh của những thợ săn học bổng làng Dược. Khi mà tỷ lệ “rớt môn” phải gọi là nhiều như sao trên trời, như cá dưới nước. Đặc biệt là đối với học phần thực hành aka thực tập Công nghiệp Dược. 

Đây là học phần “khó nhai” vì có rất nhiều thứ cần phải hiểu rõ và vận dụng sâu. Những tình huống các bạn phải đối mặt là tình huống từ thực tiễn. Chứ không phải đáp án A, B, C, D được cung cấp sẵn. Chỉ cần một thay đổi nhỏ, cũng đủ khiến vấn đề ấy có một cách giải quyết hoàn toàn khác. 

Lấy ví dụ đơn cử như “nhiễm” và “nhiễm chéo”. Thoạt đầu nghe thì có vẻ giống nhau, nhưng mà đây thật chất là 2 chứ không phải 1 nhóm nguy cơ xảy ra trong sản xuất ảnh hưởng tới chất lượng thuốc. Chính vì thế, việc tìm hiểu và có kế hoạch phù hợp sẽ giúp bạn “dễ thở” hơn đó!

Việc học thực hành khá là thú vị đối với bạn sinh viên nào đam mê máy móc, kỹ thuật. Nhưng mà đối với người não cá vàng như mình thì việc ghi nhớ các máy và trình tự vận hành quả là một thách thức lớn. Đặc biệt là khi thực hành, tụi mình sẽ không được phép quay phim, chụp hình lại do tính chất bảo mật. 

Giáo trình và tài liệu học Công nghiệp Dược

Các bạn có thể tham khảo sách và giáo trình của các trường đại học có đào tạo môn Công nghiệp Dược. Hãy vận dụng hết kỹ năng giao tiếp để hỏi xin slide và ghi chú từ các anh chị, các bạn ở trường nhằm củng cố thêm kho tàng kiến thức của mình. Quỳnh cũng sẽ tổng hợp và cập nhật thêm ở trên blog Dược Sĩ GenZ nhé!

Nhưng mà, chỉ nhiêu đó là không đủ. Đối với môn Công nghiệp Dược, các bạn sinh viên nên tham gia đầy đủ các buổi học trên lớp, hãy nhớ rằng slide chỉ là tóm tắt ý chính, bài giảng và note mình ghi chú mới là trọng tâm mình hiểu và triển khai.

Giảng viên sẽ cung cấp cho sinh viên nhiều cái nhìn bao quát hơn. Đó là những tình huống “thực chiến” đúc kết bằng mấy mươi năm kinh nghiệm khi làm việc của các thầy cô. (Và biết đâu được các bài tập bất chợt ấy sẽ có xuất hiện trong đề thi thì sao).

Giáo trình "Công nghệ bào chế dược phẩm"
Giáo trình “Công nghệ bào chế dược phẩm”

Sách và giáo trình là một phần để các bạn theo dõi. Với tốc độ công nghiệp hóa càng nhanh thì kiến thức sẽ luôn được bổ sung và chỉnh lý. Các bạn có thể đăng ký học thêm các khóa học do các nhà máy, xí nghiệp mở ra để hướng dẫn, cập nhật những công nghệ mới nhất. 

Trăm nghe thì không bằng mắt thấy. Mắt thấy rồi thì mình cũng cần phải thực hành mới nắm được rõ cách hoạt động ^^ Kiến thức Công nghiệp Dược rất cần thiết, nếu bạn không “hạp” món này thì cũng nên nắm được những kiến thức chuyên khoa cốt lõi. Bài viết sau tụi mình sẽ review chi tiết hơn cách để “sinh tồn” với môn Công nghiệp Dược nhé. 

Rất cảm ơn mọi người đã đọc đến đây! Bài viết dựa trên tìm tòi và trải nghiệm của Quỳnh khi đã được “chinh chiến” qua Công nghiệp Dược. Hy vọng bài viết trên sẽ giải đáp một số thắc mắc của các bạn về Công nghiệp Dược. Còn gì hay ho nữa Quỳnh sẽ cập nhật thêm nhen. 

Bạn còn thắc mắc hay băn khoăn mà không có trong bài viết trên không? Hãy để lại bình luận trên Dược Sĩ GenZ hoặc tham gia group FB để cùng nhau thảo luận nhé. Tụi mình rất hoan nghênh những ý kiến đóng góp gửi về cho Dược Sĩ GenZ để chúng mình hoàn thiện hơn. 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *