Có một phương pháp được các kỷ lục gia trí nhớ trên thế giới áp dụng cực kỳ nhiều mang tên LOCI. Mình đã áp dụng nó trong rất nhiều môn học tại khoa Dược và nhận thấy kết quả vô cùng ấn tượng. Hôm nay mình xin chia sẻ nó đến với mọi người như một món quà dành tặng đồng môn & đồng nghiệp trong tương lai!
Xin chào, mình là Hào Khang, Founder của Dược sĩ GenZ – nơi trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm ngành Dược theo góc nhìn khoa học, đột phá, khác biệt. Trước khi bắt đầu vào phần giới thiệu phương pháp mình xin nói qua một chút về khởi nguồn của LOCI nhé!
LOCI bắt đầu từ một thảm họa!
Phương pháp LOCI được sáng tạo bởi một nhà thơ tên là Simonides – sống cách đây hơn 2000 năm. (Mình cũng thắc mắc là tại sao kỹ thuật ghi nhớ lâu đời như vậy mà đến hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa nhiều người biết đến!)
Ông Simonides này đã tham dự 1 buổi tiệc lớn với rất nhiều bạn bè. Tuy nhiên, 1 tai nạn xảy ra cướp đi rất nhiều mạng sống (mình nhớ hình như là phòng tiệc bị sập). Và như thường lệ, những người sống sót như Simonides được mời “lên phường” để lấy lời khai. Khi được tra hỏi về thông tin những người không may mắn, ông này nhắm mắt tưởng tượng lại không gian trong bữa tiệc, nhớ đến vị trí mọi người đứng trước khi tai nạn ập đến. Nhờ vậy tất cả những người thiệt mạng đã được ông nhận diện một cách vô cùng chính xác (mặc dù có nhiều trường hợp khuôn mặt đã biến dạng).
Và đó cũng chính là nguyên tắc của phương pháp LOCI, gắn những thứ rời rạc vào một không gian đã có trong ký ức! Những thứ rời rạc này sẽ được ghi nhớ theo cụm, liên kết với nhau mà không nhầm lẫn với các thứ khác bên ngoài. Trong trường hợp này những thứ rời rạc có thể là tên của những người đã mất trong vụ tai nạn, hoặc đó có thể là những kiến thức trong slide, giáo trình bạn học được ở trường! Thú vị không?
Áp dụng phương pháp LOCI trong ngành Dược thế nào?
Trong ngành Dược có rất nhiều thứ để “nhớ mà không cần hiểu”, chẳng hạn như tên khoa học của các loài thực vật, các tên thuốc trong một nhóm thuốc, thậm chí là toàn bộ thông tin trong cuốn slide dày cui. Đối với trường hợp này thì LOCI là một phương pháp hiệu quả giúp bạn ghi nhớ mà không bị lẫn lộn thông tin. Ví dụ cho dễ hiểu nhé, hãy nhìn slide bên dưới của môn Dược lý:
Slide này bao gồm 6 hàng cung cấp thông tin về nhóm thuốc Ureidopenicillin và có khoảng 50+ chữ. Nếu chỉ có 1 trang như thế này thì đơn giản chỉ cần học thuộc theo cách thông thường là xong. Tuy nhiên như bạn cũng đã biết mỗi Slide của sinh viên Y Dược chúng ta thì có bao nhiêu trang rồi đúng không ^^
Vấn đề là chúng ta không cần phải nhớ hết tất cả các chữ để có thể làm được bài thi (đặc biệt là đối với hình thức trắc nghiệm). Thay vào đó khi đọc xong mỗi dòng chúng ta liệt kê ra những keyword chính cần ghi nhớ, gắn keyword đó với một hình ảnh và đưa nó vào không gian của ký ức. Nghe hơi phức tạp phải hông? Ok giờ áp dụng từng bước nhé!
Bước 1: Đọc và nhặt keyword
Mình sẽ chia bảng cho dễ hiểu, một bên là nội dung đầy đủ trong Slide, một bên là keyword mình cần nhớ. Khi đọc slide mình nhặt ra những thông tin cần ghi nhớ để nắm toàn bộ ý chính của câu (hay còn gọi là keywords). Sau đó mình sẽ note các key này vào một cái bảng như hình bên dưới (mình thường dùng word hoặc ứng dụng Notion để note cột bên phải).
Nội dung Slide | My keywords |
Bền với men cephalosporinase và penicillinase do vi khuẩn tiết | Ce, Pe |
Tác động trên vi khuẩn P.aeruginosa mạnh hơn carboxypenicilin | Mủ xanh > carboxy |
Điều trị nhiễm trùng nặng do VK (-) và VK kỵ khí | Âm, kỵ khí, nặng |
Kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật hệ tiêu hóa và sản phụ khoa | Dự phòng, tiêu hóa, sản phụ |
Piperacilin + tazobactam = tazocilin | Pipe, tazo |
Hiệu chỉnh liều ở người suy thận | Fix thận |
Bước 2: Nén keyword thành ảnh
Chắc hẵn các bạn đều từng nghe qua việc não bộ chúng ta ghi nhớ hình ảnh tốt hơn ghi nhớ chữ và số. Đó cũng là lý do mà chúng ta cần nén chữ thành ảnh. Để làm được việc này thì bạn cần có khả năng sáng tạo một chút.
Trong bài viết tiếp theo mình sẽ hướng dẫn các bạn lựa chọn hình ảnh sao cho ấn tượng và dễ nhớ nhất. Tuy nhiên nếu bạn là newbie trong phương pháp “hack não” này, hãy sử dụng hình ảnh hiện lên trong đầu bạn khi lần đầu đọc keyword.
Ví dụ khi mình đọc từ “Ce” mình nghĩ đến certification, mình tưởng tượng ra một “tấm bằng khen”. Pe thì là Penicillin mình nghĩ đến “cây nấm” (chắc bạn cũng hiểu lý do mà phải hông). Và vì chúng cùng 1 hàng nên mình sẽ không tách 2 hình ảnh ra, mình sẽ tưởng tượng “một cây nấm mọc lên từ bấm bằng khen”. Tương tự với các từ khóa còn lại, mình cũng sẽ tạo ra những hình ảnh như vậy trong đầu.
Giờ là bài tập đầu tiên để áp dụng phương pháp LOCI mình dành cho bạn, hãy lướt lại bước 1 xem bảng tóm tắt keyword của mình. Sau đó tưởng tượng ra hình ảnh cho 5 hàng còn lại. Sẽ mất đâu đó khoảng 5 – 10 phút cho lần đầu tiên bạn làm điều này! Hình ảnh có thể không cần chỉnh chu, hài hước hoặc vô lý 1 xíu cũng giúp bạn nhớ dai hơn nhé! Lưu ý rằng bước cuối cùng chỉ có thể thành công khi bạn đã chuẩn bị trong đầu những hình ảnh rồi. Đừng lướt qua nếu bạn chưa hoàn thành bài tập này.
Bước 3: Rắc thính
Sau khi bạn đã có những hình ảnh trong đầu, bước cuối cùng là chọn 1 địa điểm không gian nào đó mà bạn quen thuộc để rải các hình ảnh này khắp nơi. Mình thường dùng không gian là trường đại học, trường cấp 3, nhà trọ, nhà ở dưới quê hoặc các quán cà phê mình từng lui tới nhiều lần.
Trong bài viết sau, mình sẽ hướng dẫn cho bạn kỹ thuật chọn không gian sao cho dễ nhớ, hiệu quả mà không bị lẫn lộn. Kỹ thuật này do mình sáng tạo ra và mình đặt tên nó là “Memory box” hay là “hộp trí nhớ”. Cùng đón chờ xem nhé!
Quay trở lại với phương pháp LOCI, sau khi lựa chọn được 1 không gian quen thuộc bây giờ hãy nhắm mắt lại. Tưởng tượng bạn đang ở điểm đầu của không gian đó, chẳng hạn như bạn chọn trường học thì hiện tại bạn đang đứng ở cổng trường và nhìn vào trường. Tiếp theo hãy chọn một điểm cuối nơi mà bạn muốn đi đến trong không gian đó và bắt đầu di chuyển thật chậm!
Trên đường đi, hãy đặt những hình ảnh vào cảnh vật xung quanh chẳng hạn như trong phòng bảo vệ, dưới gốc cây, trên nắp thùng rác, trên ghế đá,… nơi mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy chúng. Hãy “rắc thính” chúng theo thứ tự lần lượt trong slide. Trong trường hợp này chúng ta có 6 dòng thì chỉ cần 6 vị trí là được.
Sau khi bạn đã xác định vị trí của 6 món đồ trên, hãy đi ngược lại từ điểm cuối đến điểm đầu. Di chuyển chậm và nhìn lại chúng vẫn nằm đó theo thứ tự từ cuối lên đầu slide. Vậy là bạn đã hoàn tất quá trình ghi nhớ 1 slide 50+ chữ chỉ với 6 hình ảnh, khối lượng xấp xỉ 10%. Và mình cá rằng bạn phải nhớ được hành trình di chuyển này ít nhất là 1 tháng mà không cần phải nổ lực học từng chữ như ban đầu!
Ơ sao phức tạp thế! Chỉ cần học thuộc là xong thôi mà?
Mình cũng đã từng nghĩ phương pháp LOCI này quá phức tạp giống bạn, cho tới khi mình áp dụng nó trên 10 lần. Cho đến khi quen, bạn có thể thực hiện tất cả các khâu từ nhặt keyword ra khỏi slide, nén thành hình ảnh hoặc rắc thính trong đầu mà không cần viết ra. Chỉ với 1-2 phút nhắm mắt lại tưởng tượng, bạn có thể “khắc sâu” slide vào não mà không cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, phương pháp này còn rất nhiều ưu điểm khác:
- Thứ nhất: Phương pháp LOCI giúp bạn nhớ lâu và đỡ stress hơn rất nhiều so với việc cố gắng ghi nhớ chữ viết.
- Thứ 2: LOCI giúp bạn không lẫn lộn giữa các thông tin vì có thể mỗi slide bạn sử dụng một không gian khác nhau.
- Thứ 3: Không phải tất cả các thông tin đều cần ghi nhớ. Trên thực tế sau khi nghe thầy cô giảng bài bạn đã lọc được kha khá thông tin không quan trọng. Hãy chỉ ghi nhớ những gì bạn cho là cần thiết như vậy thậm chí có thể giảm khối lượng bài xuống khoảng 5% thôi.
- Thứ 4: Việc dò bài bằng phương pháp LOCI khá nhanh, bạn chỉ cần nhớ những vị trí có món vật gì thay vì đi lục lại các slide để đọc từng chữ. Điều này giúp bạn tiết kiệm hàng tá thời gian cho những thứ khác.
- Thứ 5: Bạn sẽ không phải sợ những kiến thức lặp lại nhiều lần. Ví dụ ở nhóm kháng sinh thứ 2 cũng có đặc điểm là “Bền với men cephalosporinase và penicillinase do vi khuẩn tiết”, bạn chỉ cần vứt hình ảnh “cây nấm mọc lên từ tấm bằng khen” vào hành trình của nhóm thuốc đó mà thôi không cần phải tạo lại một hình khác và cũng hạn chế được sự nhầm lẫn.
Nếu bạn áp dụng được tất cả những điều trên ngay sau lần đọc đầu tiên, chúc mừng bạn là một trong những người hiếm hoi làm được điều này. Nhưng nếu bạn trong nhóm còn lại, sau khi áp dụng vẫn cảm thấy mơ hồ thì đó là điều hoàn toàn bình thường và mình cũng vậy thôi! Quan trọng là kiên trì luyện tập nhé!
» Đọc thêm: Phương Pháp LOCI Giúp Học Thuộc Mọi Slide (Phần 2)
Trong bài viết tiếp theo tất cả những sai lầm trong khi áp dụng LOCI vào việc học, cách kết hợp LOCI với kỹ thuật Memory box để không bị nhầm lẫn giữa các không gian cũng như cách ôn tập sao cho hiệu quả sẽ được Khang bật mí. Follow các bài viết tại Dược sĩ GenZ để cập nhật những mẹo học tập khoa học, đột phá, khác biệt nhé!