Feynman là ai và tại sao chúng ta lại cần ông này trong lúc học Dược?
Nếu bạn nào không biết thì Richard Feynman (1918-1988) là một trong những nhà vật lý học lỗi lạc nhất thế kỷ 20, nhiều khi được sánh vai ngang hàng với Albert Einstein. Các công trình của Feynman đã góp phần định hình nên nền vật lý học hiện đại, thúc đẩy nền văn minh loài người. Nghe “ngầu” đúng, nhưng vật lý học thì có gì liên quan đến quá trình học tập của sinh viên Dược chúng ta?
Câu trả lời nằm trong phương pháp học của ông ấy, phương pháp học Feynman.
Về cơ bản, phương pháp Feynman được chia làm 4 bước chính như sau:
-
Bước 1: Đọc và nghiên cứu ban đầu
-
Bước 2: Viết và giải thích lại vấn đề
-
Bước 3: Xác định những thông tin bị hổng
-
Bước 4: Tổ chức lại và đơn giản hóa thông tin
Về cơ bản, bạn sẽ được làm… giáo viên.
Phương pháp Feynman cho rằng nếu bạn không thể giải thích vấn đề một cách đơn giản thì bạn chưa hiểu đủ rõ. Chính vì vậy, phương pháp khuyến khích việc giảng dạy, hướng dẫn hay thuyết trình cho một người nào đó, hay đơn giản là một sự vật nào đó (vịt cao su, búp bê,…) bằng những kiến thức mình vừa mới học. Với bất kỳ chỗ nào chưa rõ hay không giải thích được, bạn sẽ note vào những ý đó để sau khi hoàn thành một vòng giảng dạy xong, bạn sẽ xem qua và nhận định lại lỗ hổng của mình, từ đó làm lại vòng 2 và giải thích chỗ đó đơn giản, dễ hiểu hơn. Một điều các bạn không để ý rằng, càng những vòng sau bạn sẽ càng hệ thống hóa thông tin và bắt đầu hiểu rõ kiến thức mình đang giải thích hơn. Đối với ngành Dược chúng ta, hình thức này cực kỳ hiệu quả, cả trong việc học kiến thức mà còn cho ngành nghề sau này khi đa số chúng ta sẽ chọn làm Dược sĩ và tư vấn bán thuốc cho bệnh nhân. Vậy còn gì nữa, tại sao chúng ta lại chưa thử phương pháp học tập được đánh giá là mang tính cách mạng thế này?
Ngoài phương pháp Feynman ra, Dược sĩ GenZ còn có rất nhiều các phương pháp học tập khác đang đón chờ bạn đọc ở trang blog, các bạn hãy đón đọc nhé!