Titanium Dioxide

Titanium Dioxide

Titanium Dioxide là thành phần rất thường thấy trong các sản phẩm chống nắng. Hoạt chất này giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Ngoài ra còn giúp dưỡng ẩm da.

Các sản phẩm kem chống nắng hiện nay đang không ngừng phổ biến và là điều không thể thiếu trong chu trình chăm sóc da hằng ngày. Các thành phần xuất hiện trong sản phẩm đều sẽ mang những công dụng tối ưu nhất như chống tia UV, giúp ngăn ngừa lão hóa da hay gây ung thư da. Một trong những thành phần không thể thiếu trong các sản phẩm đó chính là hoạt chất OTitanium Dioxide. Hãy cùng Dược sĩ gen Z tìm hiểu rõ hơn về hoạt chất này nhé!

Titanium Dioxide là gì?

Titanium dioxide với tên gọi khác titanium (IV) oxide hoặc titania, là một hợp chất vô cơ với công thức hóa học TiO2. Nó là một chất rắn trắng không tan trong nước [1]. Trên thực tế, Titanium dioxide được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất sơn, chất phủ, giấy, mực ,kem đánh răng, phấn phủ và màu thực phẩm [2].

Titanium dioxide có nhiều ứng dụng trong thực tế
Titanium dioxide có nhiều ứng dụng trong thực tế

Titanium dioxide có khả năng hấp thụ tia UV và chuyển chúng sang dạng năng lượng ít gây hại cho tế bào sống. Do đó, hoạt chất này cũng thường được phối hợp vào trong các công thức kem chống nắng [3]. TiO2 có màu sáng tự nhiên, do đó thành phần này cũng được bổ sung vào các sản phẩm phấn nước, kem nền, phấn phủ,…

Phổ chống nắng của Titanium Dioxide

Trong ánh sáng mặt trời, tia UV-A có bước sóng từ 315 – 400 nm (> 340 được gọi là UV-A II) và UV-B có bước sóng từ 280 – 315 nm. Titanium dioxide có khả năng hấp thụ tia tử ngoại trong khoảng bước sóng từ 290 – 340 nm. Tức là chất này có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi tia UV-B và tia UV-A [4].

So sánh khả năng hấp thụ UV của TiO2 và kẽm oxit (Nguồn: Springer)
111So sánh khả năng hấp thụ UV của TiO2 và kẽm oxit (Nguồn: Springer)

Các tia UV này sẽ được TiO2 chuyển thành các bước sóng ít hại hoặc vô hại với làn da [5]. Ngoài ra, Titanium dioxide còn bảo vệ cơ thể khỏi UV bằng cơ chế tán xạ ánh sáng. Theo đó, tia UV sẽ gặp các phân tử TiO2 và phản xạ sang một hướng khác thay vì đi sâu vào da. Tuy nhiên cơ chế này được chứng minh là chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với cơ chế hấp thụ [6].

Cách dùng Titanium dioxide

Nồng độ Titanium dioxide

Titanium Dioxide được chấp thuận sử dụng trong mỹ phẩm với nồng độ lên đến 25% [7]. Trong các sản phẩm kem chống nắng vật lý, nồng độ Titanium Dioxide đóng vai trò quan trọng quyết định SPF của sản phẩm.

Bạn có thể tính SPF của sản phẩm dựa vào thành phần hoạt chất bằng công cụ sunscreensimulator. Theo đó, 1% Titanium dioxide tương ứng với SPF 2.6. Hầu hết các bác sĩ da liễu đều khuyến cáo sử dụng ít nhất PF 30 để bảo vệ phổ rộng [8]. Do đó, tốt nhất nên chọn loại kem chống nắng có Titanium Dioxide có nồng độ từ 15% trở lên hoặc phối hợp với các thành phần khác để cho tác động ngăn ngừa UV tốt nhất.

Thời điểm sử dụng và tần suất sử dụng Titanium dioxide

Kem chống nắng chứa Titanium dioxide cũng tương tự như các loại kem chống nắng khác. Tùy thuộc vào từng hãng sản xuất mà sẽ có hướng dẫn sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, khuyến cáo chung khi bôi kem chống nắng như sau:

  • Thời điểm dùng: Bôi kem 15 phút trước khi ra đường. ****Đây là thời gian cần thiết để da hấp thu các hoạt chất và cho tác động bảo vệ cơ thể tối ưu. Đặc biệt là đối với các loại kem chống nắng hóa học.
  • SPF: Để cho được hiệu quả chống nắng tối ưu thì sản phẩm nên có SPF ít nhất 30. Nếu chống nắng cho môi thì nên sử dụng son dưỡng có SPF ít nhất 15.
  • Vị trí bôi: Bôi kem đều khắp cơ thể, đặc biệt là các vị trí thường bị bỏ qua như bàn chân hay phần gáy. Trung bình mỗi người lớn sử dụng khoảng 1 ounce (28,34 g) kem để phủ toàn bộ kem trên người.
  • Bôi lại nhiều lần: Nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ, sau khi tắm hoặc khi đổ mồ hôi nhiều.

(Nguồn: Medicalnewstoday)

Lưu ý khi sử dụng Titanium dioxide

Có một số tác dụng phụ khi sử dụng Titanium dioxide mà bạn nên biết đến để có thể tìm cách khắc phục sớm nhất. Những tác dụng phụ ấy bao gồm:

  • Trên đường tiêu hóa: Titanium dioxide được FDA công nhận là GRAS (Generally Recognized as Safe) – một hoạt chất an toàn đối với ngành thực phẩm [9]. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy Titanium dioxide dạng kích thước nano (<100 nm) tạo ra các kiểu hình giống như khối u trong các tế bào biểu mô dạ dày của con người.
  • Trên mắt: Hợp chất có thể gây kích ứng nhẹ.
  • Đường hô hấp: Hít bụi titanium dioxide có thể dẫn đến hình thành khối u phổi trong các nghiên cứu trên động vật [10].
  • Da: Có thể gây kích ứng nhẹ ở đối tượng nhạy cảm. ****(Nguồn: Healthline)

Nên dùng Titanium Dioxide hay kem chống nắng hóa học?

Hầu hết các loại kem chống nắng hóa học đều ngăn chặn được tốt UV-B. Trong khi đó, các hoạt chất này không bảo vệ tốt cơ thể khỏi UV-A hoặc chỉ ngăn chặn được một phần tác nhân gây hại này [11]. Tuy nhiên, UV-A mới thật sự là tác nhân đáng lo ngại cho da vì chúng chiếm tới 95% lượng tia cực tím mà bạn vẫn tiếp xúc hằng ngày [12].

Bên cạnh đó, hoạt chất chống nắng hóa học như oxybenzone hay octocrylene có khả năng hấp thu qua da [13]. Đã có không ít báo cáo về các tác dụng phụ trên tuyến sinh dục, tuyến yên, tuyến giáp,… của những hoạt chất này [14].

Các sản phẩm kem chống nắng vật lý chứa những thành phần như Titanium dioxide có khả năng chống lại cả UV-A và UV-B. Bên cạnh đó hoạt chất này hầu như không thấm qua lớp sừng ở da vào máu, thậm chí là ở dạng phân tử nano [15]. Do đó, kem chống nắng vật lý hầu như không rối loạn chuyển hóa trong cơ thể khi sử dụng thời gian dài. Tốt nhất, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để lựa chọn sản phẩm kem chống nắng phù hợp, an toàn.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về hoạt chất Titanium dioxide. Nếu có bất kỳ góp ý bổ sung nào hãy gửi về Email duocsigenzskincare@gmail.com hoặc bình luận phía bên dưới cho Dược sĩ GenZ biết nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *